>>Người dân mua xe điện sẽ được hỗ trợ tiền?

Kỷ nguyên xe điện

Tháng 7/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan ngành giao thông”. Theo đó, từ năm 2025 các xe bus được thay thế, đầu tư mới sẽ chỉ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2030, có khoảng 50% xe bus và tất cả xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2040, hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ Đức Việt (Tp Hồ Chí Minh) cho biết, với lộ trình này thì từ năm 2025 các kế hoạch phát triển ô tô sử dụng xăng, dầu tại Việt Nam sẽ dừng lại dần và chuyển hướng sang xe điện. Dự báo, từ năm 2025 trở đi ô tô điện sẽ là phương tiện giao thông có sự tăng trưởng nhanh và ngày càng phổ biến.

Xe điện phát triển sẽ kéo theo hạ tầng trạm sạc phát triển.

Ngay từ năm 2023 các doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam. Công ty TMT đã ra mắt mẫu xe điện mini Wuling HongGuang; Hyundai Thành Công cho ra mắt mẫu xe điện Ioniq 5; còn VinFast cho ra mắt một loạt mẫu xe mới là VF3, VF6 và VF7 sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Sắp tới thị trường ô tô sẽ rất nhộn nhịp, khi có thêm nhiều mẫu xe thuần điện tiếp tục ra mắt.

Trong khi đó, BMI Research (đơn vị nghiên cứu của Công ty chuyên về xếp hạng tín dụng Fitch Solutions) vừa đưa ra dự đoán: doanh số xe điện của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2022, đạt 18.000 chiếc. Kỳ vọng doanh số xe điện tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 25,8%/năm trong giai đoạn 2023 – 2032, với con số 65.000 chiếc mỗi năm, tăng so với mức 8.400 chiếc trong năm 2022.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng dự đoán số xe điện được sở hữu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu chiếc vào năm 2030 và tăng lên 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.

Với những diễn biến trên, có thể thấy thị trường ô tô điện Việt Nam sẽ đầy tiềm năng trong thời gian tới. Xe điện phát triển sẽ kéo theo hạ tầng trạm sạc phát triển. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển trạm sạc pin dành cho xe điện.

Cơ hội mới

>>Hack trạm sạc – hiểm họa mới cho người dùng xe điện

Tại Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ trạm sạc pin xe điện là Công ty VinFast và Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST. VinFast đang phát triển các trạm sạc với khoảng 150.000 cổng sạc trên toàn quốc, với chi phí sạc 3.210,9 đồng/KWh. Còn EVIDA đang phát triển các trạm sạc công cộng với đơn giá  8.900 đồng/kWh, chưa bao gồm phí kích hoạt 4.900 đồng/lần sạc đối với xe máy và 19.900 đồng/lần sạc đối với ô tô. Một số ý kiến cho rằng VinFast hiện đang bù lỗ cho các trạm sạc và sẽ tăng giá dần trong thời gian tới. Mặt bằng chi phí sạc pin tại khu vực Đông Nam Á hiện tương đương với khoảng 8.000 đồng/KWh.

Theo tính toán của một doanh nghiệp, một chiếc xe ô tô điện 5- 7 chỗ ngồi, đi quãng đường 100 km, sẽ tiêu tốn bình quân khoảng 15 kWh, tương đương với 0,15KWh/km. Giả sử phí sạc điện là 8.000 đồng/KWh, nếu mỗi trạm sạc một ngày sạc 100 xe và mỗi xe 30 KWh (đi quãng đường 200 km) thì bán được 3.000 KWh điện và số tiền thu được sẽ là 24.000.000 đồng. Với 1 tháng con số này sẽ là 720.000.000 đồng, trừ tiền mua điện và chi phí vận hành thì các trạm sạc thu được khoản lợi nhuận không nhỏ. Cho dù thời gian ban đầu mỗi trạm sạc chỉ đạt 30% hoặc 50% so với tính toán trên thì cũng không hề thất vọng chút nào.

 

Thị trường sạc điện cho xe sẽ rất  tiềm năng trong thời gian tới.

Với khách hàng sử dụng xe điện, cho dù có phải chi 8.000 đồng/KWh tính ra chi phí năng lượng vẫn thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu. Lấy 8.000 đồng nhân với 15KWh cho 100 km thì hết khoảng 120.000 đồng, tương đương với 5 lít xăng, trong khi các xe ô tô 5-7 chỗ hiện tiêu thụ bình quân từ 8-10 lít/100km.

Thị trường sạc điện được cho là đầy tiềm năng trong thời gian tới và hứa hẹn có thêm những nhà đầu tư mới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bắt đầu nhập cuộc với các trạm sạc dự kiến lắp đặt tại Hà Nội cùng 1 số địa phương khác. Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện, cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, ABB…

Đáng chú ý là Công ty Charge+ có trụ sở tại Singapore, đã công bố kế hoạch phát triển các trạm sạc tại Việt Nam và kết nối khu vực Đông Nam Á. Charge+ công bố kế hoạch xây dựng 45 trạm sạc tốc độ cao kết nối Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2024. Các xe điện có thể sử dụng trạm ở cả 5 quốc gia, thông qua ứng dụng điện thoại thông minh Charge+, để thanh toán cho dịch vụ.

Không chỉ phát triển các trạm sạc mà một số doanh nghiệp còn đang phát triển phần mềm chia sẻ các trạm sạc cho khách hàng sử dụng xe điện, giống như những app gọi xe Grap, Bee, GoJek… Cùng với đó việc cung cấp các thiết bị sạc cho thị trường cũng rất tiềm năng.

Kỷ nguyên xe điện đang đến và đây chính là cơ hội cho một nghề kinh doanh mới, đó là các trạm sạc xe điện, dự báo sẽ phát triển trong vài năm tới.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/ky-nguyen-xe-dien-va-co-hoi-cho-nghe-kinh-doanh-moi-249241.html