Mạng lưới 150.000 cổng sạc của VinFast liên tục được mở rộng đến cả khu vực miền núi, biên giới và các tuyến đường ít dân cư. Chủ xe điện dễ dàng tiếp cận trạm sạc để tận hưởng dòng xe điện chất lượng với chi phí sử dụng gần như bằng 0.
“Phượt” đến tận biên giới vẫn thấy trạm sạc VinFast
“Mạng lưới trạm sạc VinFast đã đến cả cực Tây Tổ quốc”, anh Trần Thanh, admin một cộng đồng người dùng VF 8 tại Hà Nội chia sẻ về chuyến đi chinh phục cực Tây – A Pa Chải (Điện Biên) mới đây. Anh Thanh cho biết, dù đã chuẩn bị mang sẵn sạc theo xe công suất thấp để cắm nhờ điện lưới nhà dân, nhưng mạng lưới trạm sạc đã liền mạch trên các trục chính tuyến đường lớn, nên anh không cần sử dụng tới.
“Chỉ cần sạc trong lúc nghỉ ăn trưa là đủ pin đi về tận thành phố Lai Châu để tiếp tục hành trình Tây Bắc mà không cần sạc thêm”, anh Thanh chia sẻ. Anh khẳng định, với tốc độ mở trạm sạc như hiện tại, người dùng xe điện VinFast có thể tiếp cận điểm tiếp năng lượng rất thuận tiện ở mọi nơi, mọi lúc.
Hiện nay, mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast do Công ty Cổ phần Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-Green quản lý và vận hành gồm 150.000 cổng sạc quy hoạch tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc không chỉ phân bổ dày đặc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu vực ngoại ô, miền núi.
Cụ thể, tại 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên cả nước đã có trạm sạc V-Green với nhiều loại công suất từ sạc thường đến sạc siêu nhanh, giúp cho việc di chuyển đường dài, liên tỉnh bằng xe điện trở nên rất đơn giản và thuận tiện. Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Hà Giang… mới đây cũng đã có thêm nhiều trạm sạc được lắp đặt.
“Ngay sau khi VinFast xây trạm sạc ở trung tâm huyện Yên Minh, tôi chốt luôn một mẫu VF6”, anh Nguyễn Văn Mạnh (Hà Giang) cho biết sẽ sử dụng xe điện để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và đưa đón khách du lịch đang đến Hà Giang. “Chi phí sạc bằng 0, trạm sạc ngay cạnh nhà thì không có lý do gì không dùng xe điện”, anh Mạnh nói.
Mô hình nhượng quyền giúp trạm sạc VinFast tăng theo cấp số nhân
Giới quan sát nhìn nhận, việc “đi trước một bước” trong việc triển khai mạng lưới trạm sạc rộng khắp, trở thành lợi thế không nhỏ để hãng xe điện mở rộng thị trường không chỉ ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến tỉnh, thành khác.
Trong đó, chiến lược “doanh nghiệp và nhân dân cùng làm” – hợp tác cùng các bên thứ 3 phát triển tram sạc thông qua hình thức nhượng quyền của V-Green được đánh giá đang đem lại những thay đổi lớn. Chỉ vài tháng sau khi V-Green triển khai mô hình này tại Việt Nam, đã có hàng nghìn đơn đăng ký từ các đối tác, hứa hẹn đưa số cổng sạc của VinFast tăng trưởng theo cấp số nhân.
Lợi ích kinh tế tức thì cũng như trong dài hạn là nguyên nhân khiến nhiều chủ mặt bằng muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực trạm sạc nhượng quyền. Ông Nguyễn Sỹ Thành, chủ đầu tư trạm sạc xe điện V-Green tại huyện Vân Hồ và Yên Châu (Sơn La) tính toán, với số tiền đầu tư 2 tỷ đồng, ông chỉ cần 2 năm để hồi vốn. Ngoài ra, trạm sạc còn giúp ông kiếm thêm nguồn thu từ dịch vụ gia tăng cho chủ xe điện trong quá trình chờ sạc.
Ông Lê Thái Bình, người quan sát thị trường xe lâu năm nhận định nhượng quyền trạm sạc là mô hình cho thấy tầm nhìn xa của VinFast để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
“Nhờ mở rộng đối tác nhượng quyền, VinFast sẽ sở hữu mạng lưới trạm sạc với độ phủ rộng, đặc biệt ở nông thôn, vùng núi, xa xôi. Trong khi đó, công nghệ quản lý vận hành và chính sách chia sẻ doanh thu hậu hĩnh từ VinFast giúp các đối tác nhượng quyền có nguồn thu bền vững khi xe điện ngày càng phổ biến”, ông Bình nhận định.
Autobike