Nhiều địa phương lên lộ trình chuyển đổi giao thông xanhĐề xuất giảm lệ phí trước bạ xe hybrid tại Việt NamXe hybrid có thể gây ô nhiễm gấp 5 lần so với xe điện |
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 53/2024 với nhiều quy định quan trọng về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và nhận diện xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Thông tư đã phân loại xe cơ giới theo năng lượng sử dụng và quy định về dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Theo đó, theo loại năng lượng sử dụng, xe cơ giới (trừ rơ moóc và sơ mi rơ moóc) được phân loại như sau:
1 – Xe cơ giới chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng hoặc điêzen;
2- Xe cơ giới thân thiện môi trường là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải các-bon trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường nêu trên (như xe sử dụng nhiên liệu CNG, xe hybrid điện nhẹ MHEV, xe hybrid điện hoàn toàn FHEV hoặc SHEV, xe hybrid nạp điện ngoài PHEV);
3- Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành (như xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).
Về dấu hiệu nhận biết, Thông tư quy định xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông được nhận biết bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây.
Chi tiết mẫu tem sẽ được quy định tại Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Ngoài ra, Thông tư 53/2024 cũng đưa ra khái niệm mới về phân loại phương tiện dựa trên mức độ tự động hóa. Theo đó, phương tiện thông thường là phương tiện do người lái điều khiển hoàn toàn, kể cả khi được hỗ trợ bởi các hệ thống an toàn chủ động.
Phương tiện thông minh là phương tiện có khả năng tự động hóa, được phân loại thành 5 cấp độ dựa trên tiêu chuẩn ISO/SAE PAS 22736:2021.
Cấp độ 1, 2, 3: Tự động hóa một phần.
Cấp độ 4, 5: Tự động hóa toàn phần, bao gồm điều khiển phương tiện, xác định lộ trình và xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Với Thông tư 53/2024, Bộ Giao thông Vận tải không chỉ khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện môi trường mà còn thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giao thông. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường an toàn giao thông và định hình xu hướng giao thông thông minh tại Việt Nam.
Autobike