Nhà nước hỗ trợ để người dân mua xe điện với chi phí ít hơn

Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe điện sẽ là một trọng tâm mà nhà nước triển khai trong thời gian tới.

Chuyển đổi xanh là nhiệm vụ cốt lõi

Sau cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo đó, Thông báo số 372/TB-VPCP nêu rõ rằng nhiệm vụ cối lõi và quan trọng bậc nhất nhằm thực hiện những mục tiêu tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã cam kết tại các hội nghị quốc tế là chuyển đổi năng lượng xanh.

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, trong đó tuyên bố sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Hướng tới mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 với ngành Giao thông Vận tải, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành Giao thông Vận tải (Chương trình). Từ đây, các bộ, ngành, địa phương có thể hành động hướng đến mục tiêu Net Zero như đã đề cập.

Đồng thời, bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương cùng Ủy ban Nhân dân các địa phương đã thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng theo đánh giá thì còn chưa tập trung, chưa có trọng tâm nên kết quả đạt được chưa rõ nét.

Thúc đẩy sử dụng xe điện

Một trong các nhiệm vụ trong yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các Bộ, cơ quan, địa phương để phát triển giao thông xanh là khuyến khích người dân sử dụng xe xanh.

Cụ thể hơn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cần phối hợp với các bộ, địa phương liên quan để thúc đẩy chuyển đổi, trong đó bao gồm các hạng mục là rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ với sản xuất, nhập khẩu và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh.

Phương pháp khuyến khích được nêu ra có nhắc tới hỗ trợ đầu tư trạm sạc cho xe điện, lẫn hỗ trợ để chuyển đổi từ xe sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe sử dụng năng lượng xanh.

Song song, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, địa phương liên quan sẽ cần nghiên cứu và đưa ra đề xuất về chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích sử dụng xe buýt điện khi di chuyển liên tỉnh. Đề xuất này sẽ cần phải báo cáo Thủ tướng trước tháng 7/2025.

 

Nhà nước hỗ trợ để người dân mua xe điện với chi phí ít hơn- Ảnh 2.

Xe buýt điện liên tỉnh là đối tượng được nghiên cứu hỗ trợ.

 

Như vậy, có thể thấy rằng các cơ chế, chính sách nhằm ưu đãi và hỗ trợ trong việc sản xuất, nhập khẩu và khuyến khích sử dụng xe xanh sẽ là điều được Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, địa phương liên quan chú ý tới.

Đây là điều rất được quan tâm, bởi theo chính sách hiện nay, ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu bằng 0% sắp kết thúc. Cụ thể hơn, Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định rằng ô tô điện được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu 0% trong 3 năm tính từ ngày 1/3/2022. Trong khoảng thời gian sau đó, từ 1/3/2025 đến 28/2/2027, ô tô điện sẽ chịu lệ phí trước bạ lần đầu, bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Chính sách hỗ trợ này sẽ giúp người dân có thể sở hữu xe điện với tổng chi phí thấp hơn, thúc đẩy điện hóa giao thông.

Đô thị phải có trạm sạc công cộng

Đi cùng với thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng xe điện, thúc đẩy phát triển trạm sạc công cộng cũng là việc cần phải được tiến hành song song.

Với Bộ Công thương, Phó Thủ tướng đã yêu cầu nhanh chóng báo cáo Thủ tướng các sửa đổi, bổ sung về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; đi cùng với đó, Bộ Công thương cũng phải nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động với trạm sạc xe điện của cơ chế hỗ trợ giá điện.

Với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu cần ban hành, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà chung cư, trung tâm thương mại mà trong đó quy định về tiêu chuẩn hệ thống sạc xe điện. Bộ cần hoàn thành trước khi hết năm 2024.

 

Nhà nước hỗ trợ để người dân mua xe điện với chi phí ít hơn- Ảnh 3.

Trạm sạc cần được phát triển song song với xe điện.

 

Ngoài ra, xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng tại các đô thị phục vụ xe xanh cũng là điều được lưu ý. Về phần này, Bộ Xây dựng cần chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan để bổ sung trong các bản quy hoạch – cần hoàn thành ngay trong tháng 8 này.

Để phát triển giao thông xanh, các bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, cần bổ sung và ban hành chính sách. Trong đó, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh, gồm hạ tầng trạm sạc và nguồn cấp điện, cần được lưu ý. Từ đây, giúp ngành Giao thông Vận tải có thể đi theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải CO2 và khí mêtan.

Cũng liên quan đến sạc xe điện, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng đưa ra tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn đối với đầu cắm điện, ổ cắm điện và dây sạc điện cho xe xanh – cũng cần hoàn thành trong tháng 8/2024.

Đời sống & pháp luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *