Những kiểu chiếm chỗ sạc xe điện của tài xế Việt

Đỗ chiếm hai ô để không phải dùng chung trụ sạc hay tự ý tháo súng sạc của xe khác là những cách làm xấu xí của nhiều tài xế xe điện.

Thị trường xe điện ở Việt Nam phát triển nhanh trong vài năm qua, các hãng xe, đặc biệt VinFast, cũng như những nhà cung cấp trạm sạc độc lập đang đẩy nhanh độ phủ. Tuy vậy, ngay cả khi không bị thiếu trạm sạc, vẫn có những tài xế sử dụng cách thức không văn minh để chiếm chỗ của người khác, hoặc làm lợi cho quá trình sạc của mình.

Đỗ xe chiếm trọn trụ sạc kép

Thông thường tại các trạm sạc công cộng sẽ có cả loại trụ sạc đơn (một đầu sạc) và trụ sạc nhanh kép gồm hai đầu sạc (súng sạc) phục vụ cho hai xe. Với trụ sạc kép, nếu sạc một xe, công suất sẽ trọn vẹn, trong khi nếu sạc hai xe, dòng điện sẽ phải chia sẻ, công suất sẽ giảm đi cho mỗi xe. Ví dụ trụ 60 kW có hai súng, nếu dùng cùng lúc, mỗi súng có công suất tối đa 30 kW.

Hai chiếc taxi điện chiếm 3 ô đỗ tại một trạm sạc công cộng ở Nghệ An. Ảnh: OF Nghệ An

Vì lý do này, nhiều tài xế, đặc biệt là các tài xế xe chạy dịch vụ, taxi, thường tìm cách đỗ để xe nằm ở cả hai ô đỗ. Như vậy xe khác sẽ không thể vào trụ sạc. Với cách thức này, nếu thông thường cần khoảng 60 phút để đạt lượng pin tương đối cho cả ngày hoạt động, các tài xế sẽ chỉ cần 30 phút.

Một số người dùng xe điện cho biết, tình huống này chủ yếu gặp với tài xế xe dịch vụ vì cần tiết kiệm thời gian để nhận thêm khách. Chủ yếu những nơi có đội taxi điện nhiều như Hà Nội, TP HCM, Nghệ An… hay gặp tình trạng này. Một số tài xế xe dịch vụ chia sẻ, biết rằng hành động này không đúng, nhưng vì “thời gian sạc khá lâu nên phải tranh thủ”.

Khi gặp tình huống này, người dùng có thể phản ánh lên tổng đài của các hãng cung cấp, hoặc quản lý bãi sạc để tìm cách giải quyết. Nếu không thể tìm được cách dung hòa, các tài xế nên tìm kiếm chỗ sạc khác, tránh các trường hợp trả đũa như đỗ chắn lối vì có thể gây ra xung đột không đáng có.

Bấm nút dừng khẩn cấp để tự ý tháo súng sạc xe khác

Một trong những cách chiếm dụng trụ sạc tiếp theo là bấm nút dừng khẩn cấp trên trụ để có thể rút súng sạc xe còn lại. Theo thiết kế, các xe điện trong quá trình sạc không thể rút dây sạc ra, trừ khi chủ nhân mở khóa xe. Tuy nhiên, một số tài xế đã “qua mặt” cơ chế an toàn này bằng cách nhấn nút dừng khẩn cấp trên trụ sạc, lúc này súng sạc kết nối với các xe sẽ mở khóa, có thể rút ra dễ dàng để cắm sang xe khác.

Nút dừng khẩn cấp trên một trụ sạc tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng

Nhiều người dùng từng phát hiện xe ngưng sạc qua ứng dụng điện thoại khi ngồi nghỉ ngơi ở quán cà phê gần bãi sạc, khi đến nơi mới phát hiện sạc đã bị cắm sang xe khác.

“Chủ xe vẫn ở đó, họ nói với tôi là đang rất gấp, lại không có trụ nào trống, nên mượn tạm”, Đăng Khoa, một chủ xe điện tại TP HCM cho biết.

Thực tế, khi xe điện đã trên 80% pin, tốc độ sạc sẽ còn rất chậm để bảo vệ pin. Lúc này, có thể nhường cho xe khác sạc, nhưng việc tự ý tháo của người khác lại là hành vi xâm phạm. Vì vậy, các tài xế sử dụng xe điện có kinh nghiệm cho biết, nên để số điện thoại liên lạc trên xe, người khác nếu cần có thể gọi để thương lượng nhường cổng sạc.

Tiếp tục sử dụng sạc nhanh khi pin đã gần đầy

Ngày đầu tiên đi sạc khi mua xe điện, Thảo Hương (Hà Nội) cắm vào trụ sạc nhanh, đi mua sắm, uống cafe trong trung tâm thương mại và thường xuyên quan sát ứng dụng sạc trên điện thoại. Cô cho biết sạc từ lúc 15% lên 80% rất nhanh, nhưng từ đó tới 100% lại rất lâu.

Một số tài xế như Hương không biết việc pin sẽ nạp rất chậm khi đã trên 80% nên tiếp tục dùng trụ sạc nhanh cho đến khi đầy 100%, khiến trụ sạc nhanh trở thành “sạc chậm”, và gây mất thời gian hơn cho những người đang cần sử dụng sạc nhanh.

Chính vì thế trong cộng đồng sử dụng xe điện, các chủ xe thường có thói quen chuyển sang trụ sạc thường khi đã nạp pin đến 80%, nhằm chia sẻ chỗ sạc. Đây là một thói quen lịch sự nhằm giúp giảm ùn ứ và giúp việc sạc nhanh trở nên thuận lợi hơn cho tất cả tài xế.

Các lưu ý khi dùng trạm sạc công cộng

Chủ xe cần đỗ ngay ngắn trong vạch được kẻ sẵn nhằm tránh chặn lối ra vào của những xe khác. Các xe điện sẽ có vị trí cổng sạc khác nhau, là ở đầu hoặc đuôi, do đó chủ xe nên tìm hướng đỗ đưa đầu hoặc đuôi vào ô, sao cho dây sạc khi nối vào xe không bị căng, gây cản trở hoặc có thể khiến người khác bị vướng, ngã nếu không chú ý.

Bên cạnh đó, nếu bãi sạc trống, chủ xe có thể dùng một xe một trụ sạc nhanh để tối ưu thời gian. Nếu bãi xe đông, nên ưu tiên dùng chung trụ sạc. Không tự ý rút súng sạc của xe khác, và nên để lại số điện thoại trên xe để người khác liên lạc nếu có sự cố. Ngoài ra, nếu xe không hỗ trợ sạc nhanh công suất cao, chủ xe nên sạc ở những trụ có công suất nhỏ hơn để không lãng phí không gian cũng như công suất sạc.

Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *