Nút khẩn cấp trên trụ sạc xe điện có tác dụng gì?

Nút khẩn cấp trên trụ sạc giúp ngắt tạm thời dòng điện truyền đến xe, dùng khi có sự cố không thể kiểm soát như chập điện hoặc cháy nổ.

Các trạm sạc nhanh sử dụng dòng điện một chiều (Direct Current – DC) cho phép truyền tải điện năng cao hơn, giúp giảm đáng kể thời gian sạc. Tuy nhiên, dòng điện lớn đi kèm với rủi ro cao hơn so với sử dụng dòng điện xoay chiều (Alternative Current – AC), và những trụ sạc nhanh thường được được đặt ngoài trời, có thể bị các yếu tố về môi trường, thời tiết gây hại.

Các trụ sạc nhanh đều được tích hợp nhiều tính năng, công nghệ để đảm bảo an toàn cho thiết bị, phương tiện và người dùng, trong đó nút dừng khẩn cấp là thứ mà người dùng dễ tác động.

Nút dừng khẩn cấp trên trụ sạc

Nút dừng khẩn cấp (Emergency Stop) thường được trang bị ở các thiết bị máy móc công nghiệp, hoặc các thiết bị sử dụng dòng điện với công suất lớn. Thiết bị sẽ ngắt điện ngay lập tức khi nút bấm này được kích hoạt, qua đó giảm thiểu hư hỏng cho thiết bị, và rủi ro tai nạn cho con người trong những tình huống không thể tắt thiết bị bằng cách thông thường, ví dụ như tắt qua menu trên bảng điều khiển.

Theo tiêu chuẩn trên thế giới, nút dừng khẩn cấp dạng hình nấm (loại phổ biến trên trụ sạc hoặc các thiết bị khác) có màu đỏ, nền xung quanh nút màu vàng, được ghi rõ nhãn “Emergency Stop”, và trên nút có mũi tên hướng theo chiều thuận kim đồng hồ.

Để sử dụng nút này chỉ cần nhấn vào, thiết bị sẽ ngay lập tức được ngắt điện, không thể sử dụng tiếp. Để khôi phục lại dòng điện, người dùng phải xoay nút theo chiều kim đồng hồ (hướng mũi tên in trên nút), lúc này, trụ sạc sẽ bật ra lại.

Các trường hợp sử dụng nút dừng khẩn cấp

Thông thường khi sạc xe điện, chủ xe hoặc người khác sẽ không thể rút đầu sạc ra khỏi xe, ngay cả khi xe đã sạc đầy, mà chỉ có thể thực hiện việc rút sạc khi xe đã mở khóa, hoặc bấm nút kết thúc quá trình sạc trên menu. Do đó, có một số người đã sử dụng nút dừng khẩn cấp để rút nhanh dây sạc.

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất trụ sạc, nút này chỉ được dùng cho những mục đích đúng như tên gọi, là những trường hợp khẩn cấp như có mùi khét phát ra từ xe/trụ sạc, cháy nổ, xuất hiện khói, chập điện. Sau khi kích hoạt nút dừng, cần báo với nhân viên trạm sạc ngay lập tức để giải quyết sự cố càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, ngắt kết nối bằng nút dừng khẩn cấp sẽ gây ảnh hưởng đến các phương tiện đang sạc, có thể khiến quá trình sạc bị gián đoạn. Ngoài ra, nếu dừng khẩn cấp không có lý do, hệ thống sẽ ghi lại quá trình này, gây ra nhiều khó khăn để chẩn đoán lỗi khi kỹ thuật viên trụ sạc thực hiện bảo trì, sửa chữa định kỳ.

VnExpress

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *