Để xác định nên chọn mua xe thuần điện hay hybrid, cần xác định các yếu tố như hạ tầng sạc, mục đích sử dụng và khả năng tài chính.
Ôtô điện hóa tại Việt Nam hiện nay có ba loại chính, bao gồm xe thuần điện, xe hybrid (không cắm sạc), và xe plug-in hybrid (có cắm sạc). Điểm chung của những xe này là đều được trang bị môtơ để truyền động chính, hoặc hỗ trợ tăng tốc cho động cơ đốt trong. Để xác định dòng xe nào phù hợp, người dùng cần xác định rõ các yếu tố như hạ tầng sạc, mục đích sử dụng, và hầu bao.
Hạ tầng sạc
Nếu có thể sạc dễ dàng bằng ổ điện dân dụng (nhà riêng hoặc chung cư có trang bị), có bãi đỗ riêng, hoặc khu vực có nhiều trạm sạc nhanh công cộng, xe thuần điện là lựa chọn hợp lý. Đối với các dòng xe điện chuyên dùng cho đô thị, sạc tại nhà hoặc dưới hầm chung cư là đủ nhu cầu di chuyển trong ngày của đa số mọi người, khoảng 50-100 km mỗi ngày.
Nếu ưa chuộng xe điện nhưng khu vực không tiện trạm sạc, thường xuyên di chuyển xa, có thể nghĩ tới plug-in hybrid vì nếu hết điện, xe vẫn còn bình xăng đầy trong các chuyến đi xa. Các dòng xe này có quãng đường dùng thuần điện ngắn hơn nhiều so với xe điện, chỉ khoảng 50-100 km. Để chủ động, chủ xe phải có ổ điện để sạc đầy pin vào mỗi cuối ngày, thời gian sạc đầy với ổ điện dân dụng cho xe plug-in hybrid là khoảng 3-7 giờ, tùy vào công suất của bộ sạc.
Ngược lại nếu tại khu vực sinh sống không có sạc bằng ổ điện dân dụng, hoặc phải mất nhiều thời gian để di chuyển đến sạc công cộng, có thể cân nhắc các mẫu xe hybrid, giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu đáng kể, đặc biệt là khi di chuyển trong đô thị, mà không phải phụ thuộc vào việc sạc xe.
Mục đích sử dụng
Các xe điện cỡ nhỏ và trung thường phù hợp cho mục đích di chuyển trong phố, hoặc ngoại ô cách thành phố khoảng 100-120 km (cả đi và về khoảng 250 km), là quãng đường đa số xe điện có thể di chuyển trong một lần sạc đầy. Nếu xa hơn mức này cần tính toán thời điểm dừng sạc hợp lý.
Plug-in hybrid là giải pháp cho nhiều mục đích, cả đi gần lẫn đi xa. Nếu đi gần trong ngày có thể sử dụng chế độ thuần điện để di chuyển, và sạc pin vào cuối ngày để xe sẵn sàng vào sáng hôm sau, Khi đi xa không bị phụ thuộc vào động cơ điện, vì trong trường hợp hết hệ thống thu hồi năng lượng từ động cơ và phanh sẽ sạc lại cho pin, nhưng tốc độ sạc chậm.
Xe hybrid tự sạc hầu như không có chế độ chạy thuần điện, nhưng vẫn đáng để cân nhắc cho nhu cầu đa dụng. Xe hybrid “tỏa sáng” nếu chủ xe sử dụng cho mục đích chính là di chuyển trong đô thị.
Hầu bao
Hiện tại các xe plug-in hybrid tại Việt Nam không đa dạng, chỉ có Volvo XC60 Recharge, XC90 Recharge và Hyundai Sorento Plug-in Hybrid. Giá của những dòng xe này đắt hơn hàng trăm triệu đồng so với phiên bản thuần xăng. Hơn nữa, chi phí bảo dưỡng của những dòng xe này thường cao hơn do có cả hai động cơ xăng và điện. Chính vì thế các xe plug-in hybrid chỉ phù hợp với những người sẵn sàng trả thêm chi phí để đổi lấy sự tiện lợi của cả xe xăng và điện.
Xe hybrid tại Việt Nam nhiều mẫu mã hơn, với nhiều mức giá khác nhau trên mỗi phân khúc. Giá xe hybrid thường đắt hơn phiên bản thuần xăng khoảng 70-100 triệu đồng, do đó dễ tiếp cận hơn xe plug-in hybrid. Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng của xe hybrid cũng sẽ nhỉnh hơn một chút, nhưng mức này không đáng kể, ví dụ như chỉ vệ sinh thêm lọc gió của pin định kỳ.
Cuối cùng, xe điện có mức giá dễ tiếp cận nhất, và là xe có chi phí bảo dưỡng thấp so với các loại xe hybrid, xe xăng. Tuy nhiên, chủ xe phải đánh đổi sự tiện lợi nếu khu vực đang sinh số ít trạm sạc, hoặc không có ổ điện dân dụng.
Vnexpress